Bảo dưỡng tổng thể lần 4 nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất diễn ra trong 51 ngày, từ ngày 12/8 đến ngày 01/10/2020. Đợt bảo dưỡng này được chia thành 7 gói thầu lớn, trong đó, gói thầu số 5 Sơn chống ăn mòn hệ thống đường ống nước biển (dự án TA4 Bình Sơn), do Liên danh DMC.MT và DOBC đảm nhận.
Để hiểu hơn về hành trình thực hiện dự án TA4 Bình Sơn, phóng viên của Tạp chí người NGS đã có cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc chi nhánh Quảng Ngãi của DMC-M.
PV: Xin chào anh Nguyễn Mạnh Hùng. Trước khi bắt đầu buổi trò chuyện, anh có thể giới thiệu về bản thân và dự án TA4 Bình Sơn để các độc giả NGS hiểu rõ hơn không nhỉ?
Xin chào các độc giả NGS, mình là Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1978, đang là Giám đốc chi nhánh Quảng Ngãi tại DMC-M. Mình đã có hơn 12 năm kinh nghiệm liên quan việc triển khai các gói thầu dịch vụ kỹ thuật. Về gia đình mình thì không có gì quá nổi bật, vẫn một vợ ba con (cười).
Về dự án TA4 thì phải kể hơi dài. Chúng ta đều biết, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất. Định kỳ ba năm một lần, BSR tổ chức turnaround – tức là bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất. NMLD Dung Quất sẽ dừng hoạt động trong vòng 51 ngày để bảo dưỡng toàn bộ hệ thống máy móc. Việc tắt hoặc khởi động hết công suất của hệ thống máy móc rất phức tạp, vì vậy, NMLD Dung Quất dành 7 ngày đầu tiên và 7 ngày cuối cùng để tạm dừng và khởi động toàn bộ hệ thống. Do vậy, các nhà thầu chỉ có 37 ngày để thực hiện công việc.
Trong một đợt bảo dưỡng, BSR thường huy động bảy nhà thầu lớn để thi công gói thầu bảo dưỡng chính như: bảo dưỡng van, bảo dưỡng hệ thống Phao rót dầu không bến, bảo dưỡng thiết bị trao đổi nhiệt HE và AFC,… Ngoài những gói thầu lớn, BSR cũng tổ chức từ 50 – 70 gói thầu nhỏ. DMC-M đảm nhận gói thầu số 5, có tên gọi Sơn chống ăn mòn hệ thống đường ống nước biển và 5 gói thầu nhỏ khác.
Dự án TA4 Bình Sơn đã huy động đến hơn 6.000 nhân sự tham gia. Trong gói thầu số 5 và các gói thầu nhỏ do DMC-M thực hiện cũng đã điều động hơn 1.000 nhân sự. Lãnh đạo DMC-M đã tin tưởng và trao nhiệm vụ cho anh điều hành và chỉ huy cả 6 gói thầu trong turnaround.
Thực tế, dự án TA4 Bình Sơn đã được chuẩn bị từ rất sớm. Công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, quy trình, máy móc trang thiết bị… đã bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến tháng 10/2020 (đã bao gồm hai tháng cách ly do Covid-19). Thời gian chuẩn bị dài nhưng thời gian trực tiếp vào công trường để thi công chỉ khoảng 37 ngày thôi. Khác với những lần trước, lần turnaround này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Đó là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thời tiết mưa bão và có sự tham gia của hơn 300 chuyên gia người nước ngoài nên hầu như tất cả nhân sự của DMC-M đều xa gia đình, làm việc tại công trường để đảm bảo yếu tố an toàn sức khỏe.
PV: Theo anh, khi thực hiện dự án này, đội ngũ DMC-M có những thuận lợi nào?
Anh thấy, thuận lợi lớn nhất đó là sự tạo điều kiện lớn lao đến từ các anh, chị trong Hội đồng quản trị NGS, DMC-M hay gần hơn là sự hỗ trợ trực tiếp từ anh Tuấn và chị Thục Linh. Các anh, chị có thể chưa tham gia nhiều khi thi công thực tế tại công trường nhưng các anh, chị luôn tạo điều kiện và hỗ trợ hết mình cho team dự án hoạt động.
Thuận lợi thứ hai đến từ đội ngũ nhân sự DMC-M. Mặc dù, đội ngũ DMC-M chỉ có kinh nghiệm làm việc tại công trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm turnaround, nhưng bù lại, mọi người rất nghiêm túc khi thực hiện dự án.
Đặc thù của dự án turnaround là khối lượng thi công rất lớn nhưng thời gian triển khai lại rất ngắn. Khi thực hiện dự án TA4 Bình Sơn, đội ngũ của anh luôn thực hiện theo những nguyên tắc thép. Đầu tiên, on schedule, tức là 100% tiến độ thực hiện dự án phải chuẩn theo đúng kế hoạch. “Chuẩn” ở đây không phải là theo ngày mà là chuẩn theo giờ. Thứ hai, no rework, không có công việc nào được làm lại, đã làm là phải đúng, đã làm là phải xong. Do tính chất làm trong mùa dịch bệnh, nên đội ngũ còn có thêm nguyên tắc thứ ba, no Covid-19, nghĩa là không có nhân sự nào được mắc Covid-19, tất cả phải đảm bảo về yếu tố sức khỏe và cách ly khi thực hiện dự án. Ngoài ra, đội ngũ DMC-M trong turnaround còn có khẩu hiệu khá đặc biệt. Vì nhân sự DMC-M làm việc trong các đường ống ngầm dưới mặt đất, không thấy mặt trời nên có khẩu hiệu “See the sun on time”
PV: Bên cạnh những thuận lợi, anh và cộng sự đã gặp những thách thức, khó khăn nào khi thực hiện dự án là gì? Anh và đồng đội của mình đã vượt qua những khó khăn trên như thế nào?
Khó khăn khi thực hiện turnaround nhiều lắm. Đầu tiên, áp lực về tiến độ, áp lực về khối lượng công việc mà đội ngũ nhân sự non trẻ của DMC-M phải đối mặt. Các gói thầu cũng đa dạng về các yêu cầu kỹ thuật như: cơ khí, tự động hóa, sơn chống ăn mòn, làm sạch, hóa chất… mà DMC-M cũng mới phát triển mảng cung cấp dịch vụ kỹ thuật nên không có sẵn nhiều nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu này. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý của DMC-M, gồm cả anh, cũng chỉ khoảng 16 người nhưng phải chuẩn bị hơn 100 đầu mục tài liệu, quy trình bằng tiếng Anh cho đội ngũ nhân sự hơn 1.000 người tham gia dự án. Áp lực nhất vẫn phải kể đến giai đoạn BSR nghiệm thu tiến độ theo giờ. Vì vậy, tất cả nhân sự DMC-M luôn phải theo sát các nguyên tắc đã đặt ra: on schedule – no rework – no Covid-19.
Để vượt qua những thách thức, phải kể đến thời gian chuẩn bị kỹ càng trong sáu tháng trước khi dự án bắt đầu (cười). Thứ hai là do đội ngũ anh em DMC-M đã chuẩn bị tâm thế khi làm việc trên công trường. Tất cả anh em dậy từ lúc 5h sáng. Đến 6h15, mọi người bắt đầu làm việc và kết thúc vào 20h tối, sau đó ra khỏi công trường. Tất cả mọi người đều xác định về tư tưởng, 37 ngày trên công trường là 37 ngày không ngủ, tiến độ phải bám sát theo kế hoạch. Theo quy định của turnaround, nhân sự sẽ làm việc 12 tiếng trên công trường, trong đó đã bao gồm 2 tiếng nghỉ trưa tại chỗ. Nhưng với khối lượng công việc đồ sộ của 6 gói thầu, nhân sự nhà mình trung bình phải làm việc từ 16 – 18 tiếng. Tất cả anh em đều hiểu và cống hiến hết mình cho trận đánh trong 37 ngày đêm.
Ngoài ra, sự hỗ trợ rất lớn đến từ anh Tuấn, chị Linh. Các anh, chị hỗ trợ rất nhiều cho team dự án, từ nguồn lực, tài chính… Tất cả đều giúp team dự án hoàn thành nhiệm vụ!
PV: Anh cảm thấy như thế nào khi nhận nhiệm vụ trở thành Trưởng dự án TA4 Bình Sơn?
Tâm sự thật, cảm giác lúc đầu khi nhận nhiệm vụ này anh rất sợ. Trước đây, anh chỉ đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc của một dự án turnaround, nhưng ở dự án này, anh đóng vai trò Giám đốc dự án và quản lý 6 gói thầu. Anh đã từng tâm sự với ban lãnh đạo DMC-M: “Đây là tớ liều, tớ nhận. Vì thực sự khi nhận đảm nhiệm dự án này, nếu có vấn đề gì tớ sẽ bỏ mạng và đánh đổi sự nghiệp cho turnaround này”.
Trong thời gian chuẩn bị, anh vẫn không tưởng tượng nổi đội ngũ DMC-M sẽ hoàn thành thuận lợi cả 6 gói mà không có bất kỳ vấn đề gì xảy ra. Khi nhận dự án, anh rất quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, nhưng trong đầu anh đã dựng ra rất nhiều tình huống rủi ro có thể xảy ra và anh sẽ nhận trách nhiệm trước Ban lãnh đạo. Bởi vì, khi hoàn tất công tác chuẩn bị tài liệu, chuẩn bị nguồn lực về nhân sự, máy móc, chuẩn bị kế hoạch làm việc… nhưng lúc đó anh chỉ nắm trong tay 70% thành công thôi, 30% còn lại vẫn phụ thuộc vào thời điểm thi công thực tế ở công trường.
Dù lúc nhận nhiệm vụ anh vừa sợ vừa liều, nhưng sâu trong thâm tâm, anh vẫn cảm thấy dự án sẽ thành công. Vì bản thân anh cũng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm thực hiện turnaround nên vẫn có sự tự tin nhất định. Sự thật đúng như thế. Đến hết ngày 1/10/2020, anh thở phào nhẹ nhõm. Dự án hoàn thành mà không hề xảy ra tai nạn, rework hay bất cứ vấn đề nào khi nghiệm thu. Tất cả đều được hoàn thành đúng với kế hoạch.
PV: Hãy chia sẻ cho độc giả NGS một kỷ niệm khó quên nhất khi anh làm dự án?
Kỷ niệm của anh chỉ liên quan đến công việc thôi. Nó không có gì quá vui vẻ, nhưng đây là một kỷ niệm mà anh sẽ nhớ suốt đời. Trong gói thầu, bọn anh phải lắp hệ thống thiết bị đo và giám sát mực nước biển tại vị trí âm 22 mét so với mặt đất. Ở ví trí đấy là một bể nước, khi hút hết nước, nhân sự DMC-M sẽ phải xuống lắp. Thời gian để hút nước và lắp hệ thống chỉ có 5 ngày. Trước đó, khi nhà máy đang vận hành, mực nước ở bể chứa vẫn cao 22 mét nên anh không nhìn được bên dưới để hình dung được địa hình cũng như khối lượng công việc. Anh chỉ có thể tạm tính khối lượng công việc dựa trên thông số kỹ thuật từ các bản vẽ kỹ thuật và tài liệu do BSR cung cấp.
Tuy nhiên, NMLD Dung Quất đã vận hành hơn 10 năm nên có rất nhiều sự thay đổi. Sau khi hút nước xong, tình hình thực tế ở bể nước hoàn toàn khác với những gì đã lên kế hoạch. Mà lúc đó, thời gian thi công chỉ còn 3 ngày. Anh và cộng sự phụ trách kỹ thuật gần như không ngủ. Lúc nào, bọn anh cũng nghĩ để tìm cách lắp sáu con sensor vào hệ thống máy bơm, sắp xếp nhân sự xuống làm việc, sắp xếp các phương án thay thế… Anh cứ chợp mắt là nghĩ đến bể nước, mắt nhắm nhưng đầu vẫn hoạt động. Bởi vì, nếu anh không có phương án lắp và đảm bảo đúng tiến độ thì tất cả các công việc tiếp theo không thể tiến hành, coi như chết cả gói thầu. Ba ngày đó, cũng là thời điểm bão vào miền Trung, anh và cộng sự vẫn phải thực hiện công tác chống bão và các công việc khác. Đó là ba ngày khủng khiếp nhất trong giai đoạn turnaround. Anh và đồng chí cộng sự còn nói chuyện với nhau: “Lần này, anh em mình hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi rồi”. Nhưng đến ngày tiếp theo (ngày thứ tư của việc lắp đặt) anh đã nghĩ ra phương án lắp được sáu con sensor vào hệ thống.
Kỷ niệm khác thì chỉ xoay quanh các anh em DMC-M. Tất cả ăn cùng nhau, ở cùng nhau. Quần áo bảo hộ không bao giờ cởi vì vẫn phải mặc lại khi đi làm sáng hôm sau. Bữa cơm của anh em trong công trường cũng vui vẻ lắm, như ngày hội ấy (cười). Đến giờ ăn, anh em đi tìm nhau, gọi nhau ý ới qua bộ đàm, hỏi nhau vị trí để đưa cơm, đưa nước. Làm turnaround vất vả thật nhưng rất vui vì công ty vẫn đảm bảo đầy đủ chế độ cho anh em, đảm bảo đủ dinh dưỡng để làm việc.
Sau khi làm turnaround xong, nhiều anh em chỉ muốn làm turnaround tiếp. Hai tuần đầu tiên rất mệt nhưng sau đấy anh em quen rồi. Giờ hết dự án, mọi người được ngủ từ 21h tối đến 7h sáng hôm sau thì bắt đầu buồn chán. Mọi người lại muốn dậy từ lúc 5h sáng, giống lúc làm turnaround, cho có khí thế.
PV: Năm Tân Sửu sắp tới, anh có lời nhắn nhủ nào muốn gửi đến Ban lãnh đạo và Độc giả NGS không nhỉ?
Anh muốn gửi lời chúc đến toàn thể thành viên của Đại gia đình NGS, chúc mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, nhiều thành công hơn nữa. Chúc toàn thể các đơn vị, các công ty sẽ đạt được những mốc doanh thu cao hơn và nhiều thành tựu vượt bậc!
PV: Cám ơn anh Hùng vì đã dành thời gian để chia sẻ cùng các thành viên NGS về dự án TA4 Bình Sơn vô cùng tuyệt vời và đáng trân trọng. Chúc anh Hùng và tập thể DMC-M sẽ có thật nhiều sức khỏe để đạt được nhiều thành công hơn trong năm mới Tân Sửu!